Trà Vinh là một tỉnh ven biển phía Đông Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long, thuộc miền Nam Việt Nam, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, có bờ biển dài 65 km, Trà Vinh gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện. Bài viết sau đây nói về Trà Vinh ở đâu? Danh sách các huyện, xã của Trà Vinh? mời các bạn theo dõi!
Danh sách đơn vị hành chính cấp xã, phường trực thuộc Trà Vinh:
1. Vị trí địa lý - Phía Đông giáp Biển Đông; - Phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Long; - Phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng; - Phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre. - Diện tích tự nhiên: 2.341 km2, được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu với 02 cửa Cung Hầu và Định An, có 65 km bờ biển nên giao thông đường thủy có điều kiện phát triển. 2. Điều kiện tự nhiên - Thời tiết, khí hậu: Trà Vinh nằm trong vùng nhiệt đới có khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình từ 26 – 270C, độ ẩm trung bình 83 - 85%/năm, lượng mưa trung bình 1.500 mm, ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ và rất thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. - Diện tích đất: Tỉnh có 234.115 ha. Trong đó, đất nông nghiệp: 185.868 ha, đất lâm nghiệp: 6.745 ha, đất chuyên dùng: 12.880 ha, đất ở nông thôn: 3.845 ha, đất ở thành thị: 566 ha, đất chưa sử dụng: 900 ha, trong đó có đất cát giồng chiếm 6,62%. + Diện tích rừng là 6.745 ha, nằm dọc bờ biển tại các huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú với các loại cây như: bần, đước, mắm, dừa nước, chà là,… đất bãi bồi: 1.138 ha. + Diện tích đất và mặt nước nuôi trồng thủy sản khoảng 51.600 ha (diện tích nuôi tôm sú 29.000 ha). - Khoáng sản: Khoáng sản chủ yếu là những loại cát dùng trong công nghiệp và xây dựng, gồm: + Cát sông: có khả năng khai thác khoảng 60.000m3/năm + Đất sét gạch ngói: được Phân viện nghiên cứu địa chất công nhận là đạt yêu cầu dùng trong xây dựng, phục vụ cho công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng. Trữ lượng: khoảng 45,6 triệu m3 + Mỏ nước khoáng: đạt tiêu chuẩn khoáng cấp quốc gia với nhiệt độ: 38,50C, khả năng khai thác khoảng 2.400 m3/ngày tại xã Long Toàn, huyện Duyên Hải. 3. Lịch sử hình thành
Trải qua những thăng trầm vì bị chi phối bởi những quy luật kiến tạo địa chất cùng những lần "biển tiến, biển lùi", vùng đất có tên gọi "Trà Vang" - tiền thân của tỉnh Trà Vinh sau này đã được hình thành từ lâu đời. Vào thời kỳ đó, Trà Vinh vẫn còn là một vùng đất rất hoang vu, các loại cây rừng trùm lên những giồng đất, những đầm lầy và sông rạch chằng chịt, dân cư thưa thớt.
Vào thế kỷ XVII, các quốc gia phong kiến như Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia….trong bối cảnh chung của thế giới đã không tránh khỏi sự khủng hoảng và suy yếu. Ở Việt Nam, cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627-1673) đã chia cắt đất nước thành hai xứ: Đàng trong và Đàng ngoài (lấy sông Gianh làm ranh giới). Điều này đã làm cho hàng vạn nông dân lâm vào thảm họa bị tiêu diệt, phải đi tìm cõi sống ở Phương Nam.
Trước thực tế khách quan đó, vào cuối thế kỷ thứ XVII, các Chúa Nguyễn đã chủ động tổ chức di dân người Việt vào vùng đất Nam bộ, thực thi những chính sách chiêu mộ lưu dân và đưa quân đội vào Nam khai phá đất đai. Cùng với người Việt và người Khmer, người Hoa cũng được Chúa Nguyễn tạo điều kiện để cùng nhau khai phá và định cư trên vùng đất phía Nam này, trong đó có vùng đất Trà Vinh.
Như vậy, vùng đất Trà Vinh, con đẻ của Biển Đông và sông Cửu Long, một vùng đất chứa đựng một hệ sinh thái đa dạng cùng với nhiều tiềm năng kinh tế khác nhau, vào thế kỷ thứ XVII đã có chủ nhân là một cộng đồng dân cư đa dân tộc (Việt, Khmer, Hoa…). Sự hình thành một cộng đồng dân cư đa dân tộc trên vùng đất này là một trong những sự kiện lịch sử có ý nghĩa cực kỳ trọng đại đối với sự hình thành và phát triển của tỉnh Trà Vinh sau này.
Tỉnh Trà Vinh là địa bàn cộng cư của 3 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa và một số ít các dân tộc khác. Trong đó, người Kinh có tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu dân số của tỉnh với 684.119 người chiếm 67,5% dân số của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh còn là nơi có đồng bào Khmer sinh sống đông thứ 2 ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước sau tỉnh Sóc Trăng. Đồng bào Khmer ở Trà Vinh có 320.292 người (chiếm 31,63%). Bên cạnh đó còn có người Hoa và một số đồng bào khác như Chăm, Dao…có tổng số là 8.237 người chiếm 0,81% dân số của tỉnh.
Sự hình thành và phát triển của tỉnh Trà Vinh có thể được chia thành 2 giai đoạn sau: Giai đoạn 1: từ năm 1732 đến năm 1900. Vùng đất và tên gọi "Trà Vang", tiền thân của tỉnh Trà Vinh sau này đã có từ trước khi Chúa Nguyễn lập Châu Định Viễn, dựng Dinh Long Hồ vào năm 1732. Như vậy, lúc bấy giờ đất Trà Vinh thuộc Châu Định Viễn. Năm 1802, sau khi lên ngôi, Vua Gia Long bắt tay ngay vào việc sắp xếp và phân định lại ranh giới các đơn vị hành chính trên toàn quốc. Từ đó, Gia Định phủ được đổi thành Gia Định Trấn. Lãnh thổ Gia Định Trấn được phân chia thành 4 dinh và 1 trấn phụ, vùng đất Trà Vinh lúc này thuộc Dinh Vĩnh Trấn. Năm 1803, Vua Gia Long cho lập địa đồ các dinh thuộc Gia Định Trấn và đổi Dinh Vĩnh Trấn thành Dinh Hoằng Trấn. Vùng đất Trà Vinh lúc này thuộc Dinh Hoằng Trấn. Năm 1808, Gia Long đổi Gia Định Trấn thành Gia Định Thành, Dinh Vĩnh Trấn được đổi thành Trấn Vĩnh Thanh. Lúc bấy giờ, vùng đất Trà Vinh thuộc Trấn Vĩnh Thanh. Năm 1825, vùng đất Trà Vinh được Vua Minh Mạng lập thành Phủ Lạc Hóa trực thuộc Gia Định Thành gồm hai huyện Trà Vinh và Tuân Mỹ. Đến năm 1832, Trấn Vĩnh Thanh được đổi tên là Trấn Vĩnh Long. Sau đó, Vua Minh Mạng cho đổi các trấn thành tỉnh. Vùng đất Nam Bộ được chia thành sáu tỉnh, gọi là "Nam Kỳ lục tỉnh" gồm: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Lúc này, Trà Vinh là một huyện thuộc Phủ Lạc Hóa tỉnh Vĩnh Long. Năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định phân chia toàn bộ Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn. Trên cơ sở phân chia đó, khu vực hành chính lớn Vĩnh Long gồm 4 tiểu khu: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sa Đéc. Tiểu khu Trà Vinh là tiền thân của tỉnh Trà Vinh sau này. Ngày 20/12/1899, Toàn quyền Đông Dương Doumer ký nghị định đổi tên gọi tiểu khu thành tỉnh. Từ đây Nam Kỳ lục tỉnh cũ được phân chia lại thành 10 tỉnh mới, tỉnh Vĩnh Long cũ được tách ra thành 3 tỉnh mới: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh. Nghị định này được chính thức thi hành từ ngày 1/1/1900. từ đây, tên tỉnh Trà Vinh được sử dụng chính thức trên các văn bản tiếng Pháp là Province de Trà Vinh. Giai đoạn 2: từ năm 1900 đến năm 1992. Từ 1/1/1900, tên gọi tỉnh Trà Vinh được sử dụng chính thức cho đến tháng 5/1951, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Cục , Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ đã ban hành Nghị định số 174/NB-51 ngày 27/6/1951 về việc sáp nhập 20 tỉnh Nam Bộ thành 11 tỉnh. Theo đó, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh được sáp nhập lại thành 1 tỉnh Vĩnh Trà. Từ năm 1954 đến năm 1960, Mỹ - Diệm đã tiến hành phân chia lại địa giới hành chính các tỉnh miền Nam. Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, hai huyện Cầu Kè và Tiểu Cần được tách ra, ghép với hai huyện Trà Ôn và Tam Bình của Vĩnh Long để thành lập một tỉnh mới là tỉnh Tam Cần (theo Sắc lệnh số 16-NV ngày 9/2/1956) và tách một phần đất của huyện Cầu Ngang để thành lập một quận mới là quận Long Toàn (theo Sắc lệnh số 143-NV ngày 22/10/1956). Đầu năm 1957, Ngô Đình Diệm đổi tên tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Bình. Tỉnh Tam Cần thành lập được gần một năm thì giải thể, ba quận của tỉnh Tam Cần và quận Vũng Liêm (của tỉnh Vĩnh Long) được sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Bình (theo Nghị định số 3-ND/HC/ND ngày 3/1/1957). Thực hiện Nghị quyết số 245-NQ/TW ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị về việc bỏ khu hợp tỉnh và Nghị quyết số 19/NQ ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam Việt Nam; tháng 2/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ban hành nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Theo nghị định này ở miền Nam có 21 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh được sáp nhập thành tỉnh Cửu Long. Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ra quyết định tách tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Ngày 5/5/1992 tỉnh Trà Vinh chính thức đi vào hoạt động và phát triển cho đến ngày nay.